Nghi thức cúng bái tổ tiên

Thứ tư - 20/12/2017 03:37
Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành
Nghi thức cúng bái tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là lập bàn thờ người thân đã chết ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, Tết…

Nghi thức cáo gia tiên

Việc cúng bái tổ tiên bao giờ cũng do gia trưởng. Gia trưởng làm chủ mọi lễ nghi trong gia đình.

Mỗi lần cúng lễ đều có đồ lễ. Đồ lễ thường gồm trầu rượu, hoa quả, vàng hương, và nước lạnh, nhưng trong trường hợp bất thần đêm hôm, đồ lễ có thể giảm tỉnh xuống mức tối thiểu và chỉ cần một chén nước lạnh là đủ, một nén hương thắp trên bàn thờ là đủ.

Ngoài những đồ lễ tối thiểu trên, tùy theo các gia chủ giàu nghèo và tùy những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm nhiều thứ khác như xôi chè, oản chuối hoặc cỗ mặn, có khi thêm đồ mã.

Sau khi đồ lễ đã được đặt trên bàn thờ, gia trưởng khăn áo chỉnh tề, thắp hương cắm lên bình hương, rồi đứng trước bàn thờ khấn. Trước khi khấn, gia trưởng vái ba vái và sau khi khấn xong gia trưởng lễ bốn lễ thêm ba vái, ta gọi là bốn lễ rưỡi. Bàn thờ lúc đó phái có thắp đèn hoặc nến. Cũng có nhà có đỉnh trầm. Đỉnh trầm được đặt trước, khi cúng, gia trưởng chỉ việc khấn vái thôi.

Hương thắp trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ một, ba, năm nén vì số lẻ thuộc âm.

Sau khi gia trưởng khấn lễ xong, các người khác trong gia đình, ngoại trừ các trẻ nhỏ cũng lần lượt tới lễ bốn lễ rưỡi. Thường thường chỉ người vợ gia chủ cùng một vài người trong nhà lễ là đủ, chỉ trong những ngày giỗ, mọi người trong gia đình mới cần lễ đủ.

Ngày nay, tại các đô thị, người ta lấy vái thay lễ. Trước khi khấn người ta vái ba vái ngắn, khấn xong vái thêm bốn vái dài và ba vái ngắn nữa thay cho bốn lễ rưỡi.

Lễ tạ

Sau khi mọi người đã lễ vái xong, người ta chờ cho tàn một tuần hương tức là những nén hương thắp lên cháy gần hết, gia trưởng tới trước bàn thờ lễ tạ. Gia trưởng sẽ thắp thêm mấy nén hương nữa.

Lễ tạ xong, gia trưởng hạ vàng mã trên bàn thờ đem hóa (nghĩa là đem đốt đi). Lúc hóa vàng người ta thường lấy chén rượu cúng vào đống tàn vàng. Các cụ giải thích, có như vậy người khuất mới nhận được số vàng người sống cúng và đồ vàng mã trên mới biến thành tiền thật, đồ đạc dưới cõi âm.

Và cũng sau khi lễ tạ, đồ lễ có thể được hạ xuống.

Thường việc lễ tạ chỉ do một mình gia trưởng đảm nhiệm, nhưng trong những gia đình cẩn thận, ngoài gia trưởng ra, những người khác cũng lễ tạ.

Lễ tạ nghĩa là lễ tạ ơn gia tiên đã chứng giám lòng thành của con cháu và đã hưởng những lễ của con cháu dâng lên. Con cháu cần phải lễ tạ, vì với việc cáo gia tiên, gia tiên đã phải về nhận lễ, tức là con cháu đã làm phiền gia tiên phải bỏ những việc khác để về chứng kiến việc cúng lễ này.

Tại sao lại chờ hết một tuần hương mới lễ tạ? Tục ta tin rằng, trong lúc tuần hương đang cháy là tổ tiên đang hưởng lễ con cháu dâng lên. Trong lúc này, chiếc y môn trên bàn thờ được buông xuồng, khi lễ tạ xong, y môn lại được kéo lên.

Y môn thường chỉ buông xuống khi nào trong việc cáo gia tiên có cúng mặn. Buông y môn để các cụ trên giường thờ hưởng lễ. Trong lúc đó, các cụ không muốn con cháu nhìn lên, cũng như người sống lúc ân uống không muốn con cháu nhìn mồm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây